Thị trường gạch ốp lát tại Việt Nam

Sự phục hồi của thị trường bất động sản giúp triển vọng ngành vật liệu xây dựng nói chung và gạch ốp lát nói riêng đang tương đối thuận lợi. Cùng trong xu hướng đó, xu thế sử dụng gạch Granite chất lượng cao thay thế cho gạch Ceramic đang ngày càng trở nên rõ ràng và trở thành phân khúc tiềm năng.

Tổng quan về các sản phẩm gạch ốp lát

Hiện trên thị trường có 4 loại gạch ốp lát chính: gạch Cotto, gạch Ceramic, gạch Porcelain và gạch Granite. Trong đó, gạch Cotto là một loại gốm không phủ men, nguyên liệu chính là đất sét và được nung với nhiệt độ cao 1160~1200oC. Gạch có màu đỏ đất nung, thường được sử dụng để lát sân vườn, lát sàn cho những công trình kiến trúc giả cổ. Do ứng dụng không thật rộng rãi, nhu cầu gạch cotto là thấp nhất trong số các loại gạch ốp lát. Ba loại gạch ốp lát phổ biến thường được sử dụng trong các công trình xây dựng hiện này là gạch Ceramic, gạch Porcelain và gạch Granite. Gạch men Ceramic là loại gạch lát truyền thống, đã được sử dụng tại Việt Nam từ hàng chục năm nay. Gạch Granite mới bắt đầu xuất hiện trên 10 năm trở lại đây. Được coi là một loại đá nhân tạo, gạch Granite có độ bền vượt trội so với gạch Ceramic. Gạch Porcelain (xương bán sứ) là sản phẩm đứng giữa Ceramic và Granite.

So sánh một số điểm khác nhau cơ bản giữa gạch Ceramic và Granite.

Thị trường gạch ốp lát tại Việt Nam

Quy mô tầm khu vực. Sản xuất gạch ốp lát tại Việt Nam là một trong số ít các ngành công nghiệp vươn lên tầm cỡ khu vực và thế giới. Tổng công suất hiện đạt tới 500 triệu m2/năm, đứng đầu Đông Nam Á và thứ 6 thế giới. Riêng gạch sản xuất Granite hiện có công suất còn khiêm tốn, trên 60 triệu m2/năm.

Tập trung chủ yếu ở phía Bắc, gần vùng nguyên liệu. Các nhà máy sản xuất gạch ốp lát nằm trải khắp cả nước tuy nhiên tập trung phần đông ở khu vực phía Bắc do đây là khu vực có trữ lượng lớn các nguyên liệu sản xuất xương gạch như đất sét, tràng thạch, đồng thời thuận lợi để nhập khẩu các nguyên liệu men, phụ gia từ Trung Quốc, Đài Loan.

Tham gia của nhiều doanh nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp nội địa như Viglacera, Đồng Tâm, Thạch Bàn, CMC,.. còn có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài như Taicera, Bạch Mã, Prime,.. cùng với các Công ty tư nhân mới được thành lập không lâu nhưng có năng lực sản xuất rất lớn như Catalan (18 triệu m2/năm), Toko (15 triệu m2/năm), Vitto (36 triệu m2/năm), Tasa (24 triệu m2/năm),.. Các chủng loại sản phẩm gạch ốp lát giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc mặc dù đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn có sức cạnh tranh lớn.

Mức độ cạnh tranh tập trung nhiều hơn vào phân khúc gạch Ceramic. Trong giai đoạn 2014 - 2015, hầu hết Công ty gạch ốp lát đều đầu tư rất mạnh, tăng công suất thêm hàng chục triệu m2/năm, nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường bất động sản. Do đó từ năm 2016 và các năm tới, mức độ cạnh tranh trong ngành gạch ốp lát sẽ là rất khốc liệt, đặc biệt là ở phân khúc gạch Ceramic.

Các doanh nghiệp trong nước vẫn đứng vững nhờ bảo hộ và đầu tư tốt về mặt công nghệ. Tại thị trường Việt Nam, gạch Trung Quốc đang trực tiếp cạnh tranh với hàng nội địa. Ngoài ra, gạch ốp lát tới từ Malaysia, Indonesia, Ấn Độ,.. cũng được nhập khẩu khẩu với số lượng nhỏ, chủ yếu là các mẫu mã trong nước không có. Tuy nhiên hiện tại gạch nội đang chiếm ưu thế nhờ sử dụng các dây chuyền sản xuất tiên tiến từ châu Âu đảm bảo chất lượng sản phẩm, lợi thế về địa lý giúp giảm giá thành và đáp ứng các nhu cầu đơn hàng từ nhỏ tới lớn. Bên cạnh đó, ngành vẫn đang được sự bảo hộ lớn. Các sản phẩm gạch nhập khẩu hiện vẫn chịu thuế suất nhập khẩu cao làm giảm tính cạnh tranh với hàng trong nước.

Thuế áp dụng cho các sản phẩm gốm sứ xây dựng.

Các hiệp định thương mại mới ký gần đây như Việt Nam - EU hay TPP không đe dọa tới ngành sản xuất gạch ốp lát mà còn có thể mở ra một số thị trường xuất khẩu mới.
Nhu cầu thị trường dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt.Thị trường bất động sản, xây dựng được dự báo tiếp tục đà hồi phục từ năm 2014 với mức tăng trưởng hàng năm trên 6,5% là động lực chính cho ngành sản xuất gạch ốp lát. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu gạch ốp lát tới năm 2020 vào khoảng 570 triệu m2.

Xu thế sử dụng gạch Granite thay cho Ceramic ngày càng trở nên phổ biến. Với các tính năng vượt trội về độ bền, tính thẩm mỹ, gạch Granite được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Hiện nay đa số các công trình quy mô lớn, có diện tích rộng như chung cư, văn phòng, khách sạn đều sử dụng gạch granite. Nhiều công trình xây dựng dân dụng cá nhân cũng chuyển sang sử dụng gạch Granite. Các chuyên gia trong ngành cho biết nhu cầu sử dụng gạch Granite hiện đang tăng trưởng khá tốt với mức tăng 15 - 20% năm.

Quy hoạch của Bộ Xây dựng chủ trương không đầu tư mới sản xuất gạch Ceramic, ưu tiên phát triển gạch Granite. Dự báo của Bộ Xây dựng cho thấy nhu cầu gạch Granite năm 2020 đạt khoảng 140 triệu m2/năm (xuất khẩu 42 triệu m2). Năng lực sản xuất gạch Granite nội địa của Việt Nam vào khoảng trên 60 triệu m2/năm. Với công suất hiện tại, trong các năm tới, công suất sản xuất của Việt Nam cần tăng trung bình trên 20% để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ.

Tại Việt Nam, không có nhiều Công ty sản xuất gạch Granite, đứng đầu về chất lượng là các doanh nghiệp Đài Loan như Taicera, Bạch Mã năm ở phân khúc cao cấp. Tiếp sau là các đơn vị như Viglacera Tiên Sơn, Toko, Thạch Bàn. Trên thị trường hiện có 2 loại gạch Granite: gạch Granite không tráng men và Granite men mài in kỹ thuật số. Ngoài ra, do hệ thống tiêu chuẩn chưa rõ ràng, người tiêu dùng không đủ kiến thức phân biệt, rất nhiều sản phẩm gạch Porcelain (xương bán sứ) cũng được bán dưới danh nghĩa gạch Granite, cạnh tranh khá lớn với các sản phẩm gạch Granite đúng tiêu chuẩn.


Theo ximang.vn